Chưa đến thời điểm áp dụng giảm trước bạ nhưng nhiều hãng xe đều “rục rịch” tăng giá khiến khách hàng loay hoay trong việc hưởng lợi kép.
Chính sách giảm 50% trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước đã được thông qua nhưng chưa có thời gian áp dụng. Đa số khách hàng đều chờ đợi trong khi chỉ một số ít chấp nhận đăng ký ngay.Trước đây, các đại lý và hãng đều giảm giá từ vài triệu đến cả trăm triệu tùy mẫu xe, khi có thông tin về chính sách giảm trước bạ của Chính phủ, sức mua tăng trở lại, nên các đại lý rục rịch giảm bớt ưu đãi và khuyến mại.
Nhiều người chờ đợi đến lúc giảm trước bạ sẽ xuống tiền vì theo họ số tiền giảm trước bạ cao hơn số tiền giảm của đại lý. Nhưng không ít khách lại muốn nhiều hơn thế: vẫn được hưởng ưu đãi của đại lý mà không bị lỡ cơ hội 50% trước bạ. Do đó, khách mua xe thời điểm này và đợi thời gian sau mới đi làm thủ tục nộp phí, đăng ký ra biển. Tuy vậy, quy định của nhà nước, phải đăng ký xe trong vòng 30 ngày sau khi mua là trở ngại lớn.
Để chiều lòng khách, các nhân viên bán hàng bật mí một vài mẹo như dưới đây:
Ký hợp đồng đặt cọc giữ giá
Đây là phương pháp phổ biến nhất. Nhân viên sẽ thuyết phục khách đặt cọc vài chục triệu để giữ giá tốt. Thông thường các đại lý sẽ chỉ chấp nhận cho khách 30-45 ngày từ khi đặt cọc tới lúc xuất hóa đơn bán xe. Khách có thêm 30 ngày trì hoãn tới khi đi đăng ký biển số xe. Như vậy, tổng cộng khách có thể kéo dài thời gian từ lúc đặt cọc mua xe tới lúc đăng ký biển sổ là 60-75 ngày.
Nhiều khách mua xe nhưng chưa muốn ra biển. |
Mẹo này phổ biến, nhưng lại rủi ro cho khách vì đại lý "nắm đằng chuôi". Trong khoảng thời gian chờ nhận xe, đại lý có thể tăng giá với nhiều lý do như xe chưa đủ tiền hoặc hết xe, yêu cầu khách chuyển màu hoặc chấp nhận phương án giảm khuyến mãi.
Chuyển thông tin người sở hữu trong hợp đồng
Cách ký hợp đồng đặt cọc giữ giá có thể không được nhiều ngày vì các đại lý có quy định phải xuất hóa đơn trong tháng đối với những hợp đồng đặt cọc trong tháng đó. Ví dụ, ngày 5/6 khách đặt cọc, thì muộn nhất ngày 30/6 phải xuất hóa đơn.
Trong trường hợp này, nhân viên có một cách khác đó là chuyển thông tin người sở hữu, ví như từ vợ sang chồng, cá nhân sang công ty... Khi ấy, thời gian sẽ kéo dài thêm một chút, tùy khách muốn chuyển quyền sử dụng vào lúc nào. Ví dụ, hóa đơn đã xuất ngày 30/6, nhưng ngày 5/7 khách nói muốn chuyển sang tên cho vợ/chồng, đại lý hỗ trợ xuất lại. Tuy vậy, thực tế nhiều đại lý không chấp nhận xuất lại hóa đơn thì cách này thành vô ích.
Báo vắng mặt
Khách có thể báo ốm, đi công tác dài ngày sau khi đã chuyển 100% tiền mua xe. Đến ngày có thông tin giảm 50% trước bạ, khách xuất hiện và yêu cầu đại lý xuất hóa đơn. Đại lý khi ấy vẫn phải bán xe cho khách đúng giá trị trên hợp đồng, vì đã thanh toán xong xuôi.
Tuy nhiên cách này cũng tồn tại một rủi ro khi khách hàng vắng mặt đại lý vẫn có thể xuất hóa đơn căn cứ thông tin trên hợp đồng.
Đăng ký biển tạm
Với một số khách hàng muốn lấy xe về đi, nhân viên sẽ tư vấn khách đăng ký biển tạm để di chuyển tạm thời tại một số cung đường trong thời gian chờ bốc biển chính thức. Cách này chỉ là giải pháp tạm thời vì tùy thuộc vào hộ khẩu trên hóa đơn mới đăng ký được biển tạm và biển tạm thường chỉ có hiệu lực tối đa 15 ngày.
Chấp nhận nộp phạt
Đây là phương án cuối cùng. Khách cứ lấy xe đi nhưng chưa ra biển, đợi đến lúc có ưu đãi trước bạ mới làm thủ tục. Bằng cách này, chủ xe sẽ bị phạt tối đa 8 triệu cho lỗi "không đăng ký xe trong vòng 30 ngày". Bên cạnh đó là phạt 0,03% tiền phí trước bạ đóng chậm mỗi ngày cùng các mức phạt khi tham gia giao thông như không mang đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, không có biển số.
Theo VnExpress