Sau 30 ngày từ lúc ký hợp đồng mua bán, cho tặng, ký thông báo nộp lệ phí trước bạ của cơ quan thuế... chủ xe không làm thủ tục sang tên sẽ bị phạt tiền
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19, trong đó, có giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết năm 2020.Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng trong năm 2020, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.
Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người và đặc biệt là những ai đang chuẩn bị có ý định mua xe. Với nếu việc giảm phí trước bạ có hiệu lực sẽ giúp người mua xe tiết kiệm được hàng chục triệu đồng khi đăng ký xe mới (áp dụng xe sản xuất và lắp ráp trong nước). Tuy nhiên, việc bao giờ giảm phí trước bạ có hiệu lực thì vẫn chưa được quyết định!
Thông tin giảm thuế khiến lượng khách tìm đến các đại lý ô tô nhiều hơn. |
Vì vậy, nhiều người đang băn khoăn, mua xe hiện nay chờ giảm phí mới đi đăng ký vì đang có nhiều chính sách ưu đãi hay đợi phí giảm mới đi mua xe; Nếu mua mà chưa đi đăng ký thì có bị phạt hay không?; Mức phạt đối với việc chậm đăng ký như thế nào?...
Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 4 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP về Lệ phí Trước bạ, người nộp lệ phí trước bạ thực hiện nộp tiền lệ phí trước bạ vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày ký thông báo nộp lệ phí trước bạ của cơ quan thuế. Nếu quá thời hạn kể trên mà người nộp thuế chưa nộp, thì mỗi ngày chậm nộp phải trả tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trong khi đó, tại Điều 106 Luật Quản lý thuế 2006 và Luật về thuế sửa đổi 2016 quy định: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp.
Lấy ví dụ, một mẫu xe tại Hà Nội có mức giá tính phí trước bạ là 500 triệu đồng, với mức phí trước bạ đăng ký lần đầu hiện nay là 12% thì tức là phải nộp 60 triệu đồng. Sau 30 ngày kể từ ngày ra thông báo thuế, nếu chủ xe nộp vào ngày 45 (quá hạn 15 ngày) thì mức phạt sẽ là (60 triệu đồng x 0,03%/100%) x 15 ngày = 270.000 đồng.
Mua ô tô nhưng chậm đăng ký, chủ xe sẽ bị phạt tối đa 8 triệu đồng |
Đồng thời, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu năm 2020 nêu rõ, người mua xe ô tô, xe máy phải đến cơ quan đăng ký xe trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán, cho tặng, thừa kế tài sản, được phân bổ, được điều chuyển,… để thực hiện sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình).
Quá thời hạn trên mà chủ sở hữu mới không thực hiện việc sang tên xe sẽ bị xử phạt theo quy định, cụ thể:
- Khoản 4, Điều 30 trong Nghị định 100 quy định mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
- Khoản 7, Điều 30 quy định mức phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Ngoài ra, việc lái xe ra đường mà chưa có biển, người điều khiển phương tiện sẽ chịu phạt các lỗi: Xe không có đăng kiểm (200.000 - 400.000 đồng), bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (100.000 - 200.000 đồng), có giấy đăng ký (200.000 - 400.000 đồng), biển số (2-3 triệu đồng).
Theo VOV