Chương trình được hãng xe Nhật đưa ra để xả hàng tồn trước khi có những kế hoạch bán hàng trong năm nay. Mức giá giảm không thống nhất giữa các đại lý bởi tùy thuộc lượng xe còn, màu sắc. Một số đại lý ở Hà Nội báo mức thấp nhất cho mẫu bán tải là 680 triệu, trong khi giá niêm yết 818 triệu, tức xe giảm 138 triệu đồng.

Từ sau Tết nguyên đán, Triton đã giảm khoảng 40-60 triệu đồng. Không chỉ mẫu xe của Mitsubishi, hầu hết các hãng cũng đang có nhiều chương trình giảm giá cho xe bán tải và các dòng sản phẩm khác, trong lúc khó khăn vì dịch bệnh.

Mitsubishi Triton giảm giá hơn 100 triệu đồng
Xe Triton trưng bày ở một đại lý tại Hà Nội.

Mức phí trước bạ nếu được giảm 50% cho xe lắp ráp trong nước cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng cho xe bán tải. Dù toàn bộ các dòng bán tải đang bán ở Việt Nam đều nhập khẩu từ Thái Lan nên không có sự thua thiệt trong cùng phân khúc, nhưng sẽ thiệt với các xe cùng tầm giá, nếu nhu cầu của khách không quá cấp thiết vào bán tải. Một nhân viên bán hàng phân tích, ví dụ cùng xe Mitsubishi, khách mua ở Hà Nội, nếu Outlander giảm 50% trước bạ tức còn chịu 6%, và Triton chịu mức 7,2% (60% của xe con), mà giá hai xe ngang nhau, thì Triton sẽ có giá ra biển đắt hơn.

Triton hiện tại là bản lột xác so với thế hệ trước. Xe đã thành thị hơn rất nhiều nhờ thiết kế Dynamic Shield, tích hợp nhiều tính năng và vận hành êm ái hơn, không còn đóng đinh vào định kiến dành cho địa hình, off-road hay tải hàng như trước.  Những thay đổi giúp Triton có thêm nhiều nhóm khách hàng, tuy vậy chưa thể so sánh với đối thủ Ford Ranger - vô địch phân khúc.

Theo số liệu của VAMA trong tháng 4, Triton bán 91 xe, sau bốn tháng là 491 xe. Con số này ở Ranger lần lượt là 481 và 2.380 xe.

Theo VnExpress