Sau 18 năm cống hiến giúp đưa Michelin trở thành nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, Carlos Ghosn nhận nhiệm vụ mới: tái thiết Renault.
Người đàn ông gốc Lebanon, sinh ra ở Brazil và theo đuổi chương trình học thuật tại Pháp, gia nhập Renault năm 1996 với vị trí Phó Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm về các hoạt động tại khu vực Nam Mỹ. Khi đó, hãng xe nước Pháp như một đống đổ nát. Thị phần liên tục đi xuống, mức thâm hụt 6 tỷ francs (khoảng hơn 1,2 tỷ USD theo tỷ giá năm 1996), cuộc đàm phán sáp nhập với Volvo cũng bất thành.Ghosn tới, mang theo triết lý quản trị đã thành công ở Michelin: cắt giảm chi phí. Kế hoạch "Tiết kiệm 20 tỷ franc (4,2 tỷ USD)" được đưa ra. Trước một con số khổng lồ, CEO Louis Schweitzer hỏi Ghosn: "Anh chắc chắn về điều mình nói chứ? Nếu đúng như vậy, mục tiêu của ý tưởng này không phải là 80%, mà phải đạt 100%, phải không?" Ghosn trả lời: chính xác. Schweitzer bật đèn xanh cho Ghosn: "Làm đi".
Carlos Ghosn trả lời báo giới tại Triển lãm ôtô New York năm 2015. Ảnh: Bloomberg |
Ghosn lập tức cho tiến hành cắt giảm ngân sách ở mọi bộ phận: từ mua sắm, nhà xưởng, nghiên cứu & phát triển, chi phí quản trị cho tới xử lý dữ liệu. Ông đàm phán lại với các nhà cung cấp, chỉ ra cho họ những gì mà Renault sẽ thực hiện và thuyết phục họ rằng lợi ích sẽ mang lại cho cả đôi bên khi hãng xe tăng được sản lượng và thị phần. Tháng 3/1997, họ tiếp tục đóng cửa nhà máy 3.000 nhân viên tại Vilvoore, Bỉ. Đầu 1998, một loạt những biện pháp mạnh tay của Ghosn phát huy tác dụng. Renault báo lãi trở lại với 5,4 tỷ francs (1,13 tỷ USD) lợi nhuận được ghi nhận. Niềm tự hào nước Pháp một thời nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.
Cùng khoảng thời gian đó, hãng xe Nhật Bản Nissan cũng chìm trong khủng hoảng và đang trên bờ vực phá sản. Họ cần một cuộc đại phẫu càng sớm càng tốt. Nissan tìm tới Renault, công ty vừa được giải cứu bởi "Le Cost Killer" – Carlos Ghosn, đương nhiên người hùng của Renault không thích cái biệt danh "Kẻ cắt giảm chi phí" ấy.
Nhưng nhiệm vụ của Ghosn chưa bao giờ khó khăn đến thế. Với Nissan, đó không phải là 1,3 tỷ USD thâm hụt nữa, mà là khoản nợ 20 tỷ USD cộng thêm 6 tỷ USD lỗ ròng. Ghosn biết rằng, cắt giảm chi phí là cách duy nhất cứu Nissan, dù rất đau đớn và đi ngược lại hoàn toàn văn hóa ít khi sa thải nhân viên của các công ty Nhật lúc bấy giờ.
Năm 1999, Renault chi 5,4 tỷ USD để sở hữu 36,8 % số cổ phần Nissan, trong khi Nissan nắm giữ 15% Renault, liên minh Renault – Nissan hình thành để sẵn sàng với kế hoạch hồi sinh Nissan của Ghosn. Ông cho cắt giảm 21.000 việc làm ngay năm đầu tiên giữ chức CEO hãng xe Nhật, có nghĩa cứ 7 nhân viên thì có một người phải thôi việc, điều gần như chưa bao giờ xảy ra ở đất nước mặt trời mọc.
5 nhà máy bị đóng cửa, Ghosn đồng thời xóa bỏ chính sách cất nhắc vị trị dựa vào thâm niên đã quá lỗi thời, thay vào đó dựa vào hiệu suất làm việc. Ông thúc đẩy sự tham gia của tất cả các nhân viên từ mọi phòng ban để cùng tìm giải pháp tốt nhất cho từng vấn đề. Các giám đốc người Pháp và Mỹ được điều động để làm việc cùng các nhà quản lý Nhật Bản, tiếng Anh được thiết lập như ngôn ngữ tiêu chuẩn sử dụng trong toàn bộ liên minh.
Ghosn cam kết với ban quan trị nếu kế hoạch không thành công trong vòng ba năm, ông sẽ từ chức. Trên thực tế ngay năm đầu tiên, Nissan đã có lợi nhuận trở lại. Dưới sự lèo lái của Carlos Ghosn, sản lượng của Nissan tăng gấp đôi và các khoản nợ được thanh toán hết. Năm 2003, với lợi nhuận ròng 3,1 tỷ USD, Nissan nằm trong số những công ty ôtô hoạt động hiệu quả nhất thế giới.
Giải cứu thành công cả hai đế chế ôtô khổng lồ, Carlos Ghosn là người đầu tiên điều hành cùng lúc hai công ty có mặt trong danh sách Fortune 500.
Đội xe của liên minh phục vụ Diễn đàn phụ nữ thế giới 2018 tại Pháp. Ảnh: Liên minh |
Tháng 10/2016, Nissan mua lại 34% cổ phần Mitsubishi Motors sau cơn khi bão bê bối khí thải ập đến với hãng xe Nhật Bản có logo ba viên kim cương. Ghosn vẫn quyết tâm không để Mitsubishi bị hòa lẫn vào Nissan, ông tiếp tục duy trì mối quan hệ liên minh giữa ba hãng xe. Đến hết năm 2018, nếu không tính doanh số xe tải, liên minh Renault – Nissan – Mitsubishi là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Xếp ngay sau đó là Volkswagen và Toyota.
Khúc khải hoàn của một liên minh xe hơi hiếm hoi thành công kéo dài trong nhiều thập kỷ dường như vẫn tiếp diễn cho tới khi linh hồn của nó – cựu chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật Bản với cáo buộc làm dụng chức vụ để gian lận tài chính hồi tháng 11/2018. Trớ trêu thay, lời buộc tội đến từ chính nội bộ Nissan. Ghosn sau đó được tại ngoại và tiếp tục bị giam giữ trở lại rồi trốn thoát khỏi Nhật Bản bằng một cú đào tẩu ly kỳ như phim Hollywood cuối năm 2019. Gần như bị miễn nhiệm mọi chức vụ tại cả ba hãng xe, Ghosn có lẽ đang xoay sở trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời mình tại quê nhà Lebanon. Còn liên minh khổng lồ đang chênh vênh hơn bao giờ hết.
Đại dịch quét qua ngành công nghiệp ôtô toàn cầu khiến mọi hãng xe đều ngưng trệ sản xuất, doanh số ghi nhận sụt giảm chưa từng thấy ở mọi châu lục. Chính phủ Pháp cảnh báo Renault có thể biến mất khỏi thị trường bất cứ lúc nào nếu không sớm nhận được gói hỗ trợ tài chính trị giá 5,5 tỷ USD. Nhưng điều kiện cho Renault là hãng phải tham gia vào một liên minh Đức – Pháp để phát triển pin dành cho xe điện. Hàng loạt mẫu xe đang được cân nhắc ngừng phát triển như Talisman, Espace hay Scenic.
Trong khi đó Nissan đang xem xét cắt giảm 20.000 việc làm, chủ yếu tại Châu Âu và các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực phục hồi doanh số bán xe. Trong cuộc đua xe sang, từ lâu Infiniti gần như đã không còn sức cạnh tranh đáng kể nào với đồng hương Lexus cũng như bộ ba Đức BMW, Mercedes và Audi. Nissan chỉ còn xe điện Leaf và mẫu CUV X-trail (Rogue) là những tia sáng hiếm hoi gần đây.
Với Mitsubishi, sau năm 2016 đáng quên, hãng xe Nhật đã từ bỏ nhiều phân khúc không hiệu quả, dồn toàn lực phát triển các mẫu xe gầm cao và bán tải. Mục tiêu giờ đây của Mitsubishi không phải là chiến thắng ở Mỹ hay Châu Âu mà là duy trì lợi thế đang có ở Đông Nam Á, nơi ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc to lớn dành cho mẫu MPV Xpander. Trên phạm vi toàn cầu, Outlander PHEV vẫn là chiếc Hybrid SUV bán chạy nhất thế giới. Một Mitsubishi không còn phân nhánh Fuso, đoạn tuyệt những mẫu xe cạnh tranh yếu ớt như Lancer hay nói lời chia tay với Pajero đã trở nên tinh gọn và linh hoạt hơn.
Liên minh "bộ ba cùng tiến" lại gặp khó khăn đúng lúc mất đi người từng cứu sống họ. Không còn Carlos Ghosn ở đó để áp dụng các biện pháp tài chính, các hãng tập trung vào sức mạnh công nghệ và khả năng sản xuất. Có thể một "Ghosn mới" sẽ nổi lên trong khủng hoảng, cũng có thể không, nhưng sự bền chặt của liên minh phụ thuộc phần lớn vào khả năng lèo lái của các lãnh đạo thời không có Ghosn.
Theo VnExpress