Với các quốc gia có hạ tầng giao thông đang phát triển như Việt Nam, ôtô gầm cao là một trong những nhóm xe được người dùng ưa chuộng. Ưu thế của loại xe này đến từ sự linh hoạt trong vận hành, đáp ứng nhu cầu chạy đường xấu, nhiều ổ gà hay đường ngập lụt sau mưa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, những mẫu SUV/CUV thực thụ có giá tương đối cao, từ khoảng 800 triệu đồng. Trong khi đó, không ít người dùng lại tìm kiếm một chiếc xe di chuyển chính trong đô thị, giá bán dễ chịu, hiệu năng ở mức vừa phải và linh hoạt trong vận hành. Đó là lý do phiên bản nâng gầm của những mẫu sedan, hatchback hay MPV ra đời.

Giải pháp có lợi cho cả người mua và người bán


Trên thực tế, ôtô nâng gầm không phải trào lưu mới tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Ngay từ đầu thập niên 2000, biến thể gầm cao của những mẫu sedan hay hatchback đã được giới thiệu. Trong đó, Ford EcoSport là một trong những cái tên tiêu biểu và thành công nhất.

Sedan, MPV nâng gầm có thay thế được SUV thực thụ?
Ford EcoSport được phát triển trên nền tảng của mẫu hatchback Ford Fiesta.

Được phát triển dựa trên chiếc hatchback Fiesta, ngay từ thế hệ đầu tiên trình làng năm 2003, EcoSport đã trở thành mẫu xe ăn khách nhất của Ford tại Brazil, Argentina, Venezuela và Mexico. Năm 2012, EcoSport thế hệ thứ hai ra mắt thị trường Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam và tiếp tục thu về kết quả tích cực.

Sau thành công của Ford EcoSport, biến thể nâng gầm dựa trên hatchback, sedan hay cả MPV lần lượt ra đời. Có thể kể đến những tên tuổi tiêu biểu như Hyundai i20 Active (cùng nền tảng với hatchback i20) hay Chevrolet Trax (dựa trên hatchback Aveo).

Vừa qua, Mitsubishi Xpander Cross và Suzuki XL7, phiên bản nâng gầm của hai mẫu MPV Xpander và Ertiga lần lượt ra mắt. Tiếp đó vào tháng 8, thị trường Việt dự kiến đón thêm Corolla Cross, biến thể gầm cao của mẫu sedan Toyota Corolla Altis.

Sedan, MPV nâng gầm có thay thế được SUV thực thụ?
Mitsubishi Xpander Cross, biến thể nâng gầm của mẫu MPV ăn khách Mitsubishi Xpander.

Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn, nâng gầm xe sedan, hatchback hay MPV là giải pháp tối ưu cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

"Tại các quốc gia với hạ tầng giao thông đô thị đang phát triển, người dùng có xu hướng lựa chọn những mẫu xe nhỏ gọn, khoảng sáng gầm tốt để di chuyển thuận tiện, linh hoạt. Việc đầu tư nghiên cứu và phát triển riêng một dòng xe dành cho các khu vực này cần nhiều chi phí và sẽ khiến giá sản phẩm tăng cao.

Vì vậy, nâng gầm các dòng xe sẵn có là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Hãng tiết kiệm được chi phí sản xuất, còn người dùng có những lựa chọn với giá bán phải chăng hơn", ông Sơn nhận định.

Khó thay thế SUV/CUV thực thụ


Đa phần biến thể nâng gầm từ các mẫu sedan, hatchback hay MPV đều đi theo một công thức chung: điều chỉnh hệ thống giảm xóc, nâng kích thước vành nhằm cải thiện khoảng sáng gầm, kết hợp với những thay đổi về thiết kế để chiếc xe ra dáng SUV hơn. Trong đó, tùy theo nhà sản xuất mà sản phẩm cuối cùng sẽ có ngoại hình khác biệt rõ ràng hoặc gần tương tự phiên bản gốc.

Đơn cử, Toyota Corolla Cross là một trong những mẫu xe mang thiết kế thay đổi đáng kể so với phiên bản sedan. Trong khi đó, đặt cạnh Suzuki Ertiga, chiếc XL7 chỉ khác biệt đôi chút ở một số chi tiết trên đầu xe, ốp vòm lốp, cản trước/sau hay cách phối màu sơn đuôi xe.

Sedan, MPV nâng gầm có thay thế được SUV thực thụ?
Suzuki Ertiga và phiên bản nâng gầm XL7 không có nhiều khác biệt về ngoại hình.

Tựu trung, phần lớn các mẫu ôtô nâng gầm về cơ bản là "bình mới, rượu cũ". Vì vậy, chúng khó lòng thay thế trọn vẹn xe SUV/CUV thực thụ, đặc biệt về mặt hiệu năng vận hành.

Trao đổi với Zing, chuyên gia ôtô Hoàng Linh cho rằng dù có khoảng sáng gầm tốt, ôtô nâng gầm không được thiết kế cho việc chinh phục địa hình, với ba đặc điểm dễ nhận thấy. Thứ nhất, phần gầm của dòng xe này không được gia cố như SUV đích thực. Tiếp đó, phần lớn các mẫu xe nâng gầm đều sử dụng hệ dẫn động cầu trước và không cung cấp tùy chọn hệ dẫn động 4 bánh.

Cuối cùng, các mẫu xe này sử dụng hệ thống treo và động cơ thuần túy của xe sedan, hatchback đô thị, với công suất/mô-men xoắn đều ở mức trên dưới 100 mã lực/Nm. Vì vậy, nếu bị "quăng quật" trên những cung đường off-road đúng nghĩa, xe nâng gầm khó có thể trụ vững.

"SUV/CUV đô thị hay ôtô nâng gầm khác biệt lớn so với những dòng “micro SUV” như Suzuki Jimny, vốn đang được nhiều dân chơi xe ưa chuộng. Bù lại, chúng tiết kiệm nhiên liệu, dễ bảo dưỡng và phù hợp với việc xoay xở trong phố xá đông đúc", ông Linh cho biết.

Sedan, MPV nâng gầm có thay thế được SUV thực thụ?
Suzuki Jimny khác biệt lớn các mẫu ôtô nâng gầm, với khung gầm rời và hệ dẫn động hai cầu.

Nhìn chung, sự ra đời của dòng xe nâng gầm là kết quả bắt nguồn từ chính nhu cầu của khách hàng tại một số khu vực nhất định. Xe nâng gầm nhìn chung giúp người lái có tầm quan sát tốt hơn so với các biến thể sedan hay MPV và có khả năng lội nước, leo vỉa hè tốt hơn trong các trường hợp cần thiết. Bù lại, xe nâng gầm không thể thay thế SUV trong các trường hợp cần vượt địa hình, bởi chúng sinh ra thực chất vẫn là những mẫu xe đô thị.

Tuy nhiên, các hãng xe hơi thường có cách thức quảng cáo, xây dựng hình ảnh sản phẩm xe nâng gầm như một mẫu SUV/CUV thực thụ. Vì vậy, người dùng cần hiểu rõ chiếc xe mình lựa chọn và xác định đúng nhu cầu sử dụng của bản thân.