Ô tô giá rẻ “chen chân” ra mắt, nhiều lựa chọn


2 năm trở lại đây, thị trường ô tô Việt Nam xuất hiện những mẫu xe giá rẻ, phù hợp túi tiền người dân hơn. Đặc điểm của những mẫu xe được cho là “rẻ” này là sở hữu giá bán thấp nhất trong số các xe cùng thương hiệu, thậm chí có mẫu rẻ nhất phân khúc.

Mở màn cuộc đua xe “bình dân” là Mitsubishi với sự ra mắt của Xpander vào tháng 8/2018. Chiếc MPV cỡ nhỏ cấu hình 7 chỗ giá bán chỉ 550 triệu đồng với bản số sàn và 650 triệu đồng với bản số tự động. Mitsubishi không phải lần đầu báo giá xe rẻ, mà trước đó hãng này đã cố gắng hạ giá nhiều sản phẩm dưới giá tham khảo so với các đối thủ, điển hình như Mitsubishi Mirage, Attrage, Triton, nhưng với một mẫu xe lần đầu như Xpander là bước đi hoàn toàn mới.

Ô tô giá rẻ chen chân ra mắt Việt Nam, kẻ thành công người rút êm
Mitsubishi Xpander gặt hái thành công ở Việt Nam mà ít có mẫu xe mới nào bì kịp

Không đợi quá lâu, một tháng sau đó, Toyota - “ông vua” doanh số tại thị trường Việt Nam đã tung “chiêu”, ra mắt cùng lúc 3 mẫu xe đều trong phân khúc “bình dân” là Wigo, Avanza và Rush.

Chiếc Toyota Wigo thuộc phân khúc cỡ A, gồm 2 phiên bản có giá bán lần lượt là: 345 triệu đồng (số sàn) và 405 triệu đồng (số tự động). So với các đối thủ đã tồn tại như Hyundai Grand i10, Kia Morning, giá bán của Wigo là cực kỳ cạnh tranh khi ở vị thế xe nhập khẩu.

Với Toyota Avanza cạnh tranh trực tiếp Mitsubishi Xpander, giá cũng hết sức cạnh tranh chỉ từ 537 triệu đến 593 triệu đồng. Ở phân khúc SUV cỡ nhỏ 7 chỗ, Toyota Rush bán với giá 668 triệu đồng, là chiếc SUV rẻ nhất của Toyota tại Việt Nam.

Cuộc đua xe giá bình dân về sau kéo theo các thương hiệu khác như Honda với mẫu Brio ra mắt tháng 6/2019 với giá 418 đến 452 triệu đồng, Suzuki với mẫu Ertiga bản mới ra tháng 6/2019 khai thác sâu ở ngoại hình hấp dẫn hơn trước (giá khởi điểm 499 triệu đồng), Kia Soluto giá từ 399 triệu đồng xuất hiện vào tháng 9/2019.

Ô tô giá rẻ chen chân ra mắt Việt Nam, kẻ thành công người rút êm
Volkswagen Polo nằm trong số mẫu xe châu Âu hiếm hoi có giá dưới 700 triệu ở Việt Nam

Bước sang năm 2020, bên cạnh một số mẫu xe nâng cấp và thêm bản mở rộng như Mitsubishi Attrage, Xpander, Suzuki Ertiga, XL7 thì mảng xe sang bắt đầu sôi động hơn. Xe sang không chỉ về nhiều sau khi thủ tục kiểm tra theo lô và đánh giá chất lượng kiểu loại ô tô được bãi bỏ mà đã có thêm nhiều mẫu giá “mềm”, tranh khách với nhóm xe “chiếu dưới”. Điển hình như Mercedes-Benz Việt Nam tung chiếc C-180 với giá 1,399 tỷ đồng hồi tháng 3/2020, hướng tới khách hàng lần đầu sở hữu ô tô hoặc nâng cấp từ các mẫu sedan phổ thông. Volkswagen Polo bản nâng cấp 2020 ra mắt tháng 2 vẫn giữ giá không đổi 695 triệu nhưng đã điều chỉnh một chút thiết kế bên ngoài, bên trong thêm điều khiển Cruise Control.

Thành công không chia đều cho số đông


Trong số những mẫu xe giá mềm đua nhau ra mắt kể trên, Mitsubishi Xpander được nhắc đến khá nhiều với doanh số kỷ lục năm 2019 trên 20.000 chiếc. Thậm chí trong 5 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng chung toàn ngành từ dịch Covid-19, mẫu xe vẫn bán được tới gần 5.000 chiếc. Ngược lại, các đối thủ như Toyota Avanza, Suzuki Ertiga có dấu hiệu “hụt hơi”. Hết 4 tháng đầu 2020, Toyota Avanza chỉ bán được 101 chiếc (giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái), Suzuki Ertiga bán trung bình mỗi tháng 129 chiếc (giảm 32%).


Honda Jazz từng có doanh số 1.183 chiếc trong năm 2019, nhưng qua 4 tháng năm nay, hãng chỉ bán vỏn vẹn 73 chiếc. Mẫu xe nhỏ Toyota Wigo đang đứng trước sự “bấp bênh” khi đến thời điểm này chỉ bán được 564 chiếc trong khi cùng kỳ năm ngoái bán tới gần 2.500 chiếc.

Ô tô giá rẻ chen chân ra mắt Việt Nam, kẻ thành công người rút êm
Mercedes-Benz C180 ra mắt đúng thời điểm, được kỳ vọng bùng nổ trong nửa cuối 2020

Ở phân khúc xe sang, việc Mercedes-Benz Việt Nam “từ chối” cung cấp số liệu bán hàng theo tháng gây khó cho việc thống kê nhưng có thể thấy rõ mẫu C-180 và GLC 200 đang có lợi thế trước các đối thủ nhập khẩu khi “ưu đãi” giảm 50% phí trước bạ đang sắp có hiệu lực.

Nhận định về thị trường ô tô hiện nay và nửa cuối năm 2020, admin diễn đàn otofun, anh Phạm Thành Lê cho rằng chưa bao giờ thị trường lại đa dạng mẫu xe và nhiều lựa chọn về giá như hiện nay. “Đặc biệt phân khúc xe nhỏ trước đây các hãng Nhật ít quan tâm nhưng giờ đã có nhiều, điển hình như Toyota Wigo, Honda Brio, Suzuki Celerio. Kích thước lớn hơn có Mitsubishi Xpander, Toyota Avanza, Suzuki Ertiga. Nhưng thành công như Xpander thì không dễ”, anh Lê nói.

Trong khi đó, chuyên gia ô tô Vĩnh Nam nhận định năm 2020 sẽ là năm của xe sang lắp ráp trong nước. Ông Nam nói: “Trong tháng 5 vừa qua, doanh số của một số hãng xe sang tương đối tốt, chứng tỏ người dân đã quay lại mua sắm sau thời gian chững lại vì Covid-19. Từ nay đến cuối năm, sức mua xe sang sẽ tăng khi có phần tác động từ chính sách giảm phí trước bạ 50%”.

Tuy vậy, chuyên gia Vĩnh Nam lo ngại nhu cầu xe sang tăng sẽ không đủ xe bán khi nguồn cung phụ tùng lắp ráp từ Châu Âu, Bắc Mỹ rất khó khăn do vẫn còn bị ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh.

Ô tô giá rẻ chen chân ra mắt Việt Nam, kẻ thành công người rút êm
Người tiêu dùng Việt Nam giờ đã thực dụng hơn, chọn xe dựa trên nhu cầu và giá bán hợp túi tiền thay vì chạy theo thương hiệu như trước đây

Trước sự dịch chuyển theo hướng nhiều lựa chọn và rẻ hơn của thị trường ô tô, không chỉ người tiêu dùng cảm nhận được không khí cạnh tranh, ngay cả giới kinh doanh xe cũ cũng thấy áp lực. Anh Nguyễn Xuân Đạt, chủ cửa hàng Auto 668 Lạc Long Quân than rằng, giá xe hiện thay đổi theo tuần, ít nhiều khách tìm xe cũ cũng tranh thủ nghe ngóng thị trường nên khó “chốt” bán sớm. “Dù dịch Covid-19 mới qua chưa lâu nên khó nhận định chính xác, nhưng vẫn dễ dàng nhìn thấy thay đổi phí trước bạ chính là chìa khóa thay đổi thị trường ô tô thời gian tới đây”, anh Đạt nói.

Theo Vietnamnet