Xuống tiền mua xe sau khi “vò đầu” tính toán thiệt hơn, nhưng suy cho cùng rất ít khi người mua ô tô thực sự hưởng lợi, ngay cả những thời điểm tưởng chừng “chắc ăn” nhất để mua xe.
Dù cầm tiền trong tay, người mua ô tô tại Việt Nam luôn nằm ở thế "kèo dưới" |
Liên tục theo dõi trên báo chí thời gian qua, tôi thấy người mua ô tô ở xứ mình sao khổ quá!
Hồi đầu tháng 5.2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thị trường gặp vô vàn khó khăn. Đến cuối tháng 5, sau những “nhập nhằng” đề xuất - bác bỏ từ các Bộ, Chính phủ chính thức đồng ý giảm lệ phí trước bạ ô tô. Thời điểm này, người mua xe như “mở cờ trong bụng”. Không ít khách nhanh chóng “xuống tiền” đặt cọc mua xe.
Nhưng cũng cuối tháng 5, khách hàng “trót dại” mua xe được phen “ngớ người” khi việc giảm 50% lệ phí trước bạ dù được Chính phủ đồng ý, tuy nhiên mới chỉ ở mức “chủ trương”, bởi chưa có Nghị định thi hành và khoảng thời gian áp dụng cụ thể. Lúc này, hàng loạt khách mua xe sớm rơi vào thế “việt vị”. Xe đã đưa về sẵn sàng ra biển nhưng chính sách giảm lệ phí trước bạ lại “lơ lửng” không rõ thời hạn áp dụng. Trong khi luật quy định phải hoàn tất đăng ký xe không quá 30 ngày kể từ khi thành toán và nhận xe, nếu không sẽ bị phạt.
Giấc mơ ô tô giá rẻ vẫn treo "lơ lửng" với người Việt |
Ở một diễn biến khác, nhiều khách chưa kịp mua xe ngay thời điểm Chính phủ “thông báo” đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ dù “thoát” khỏi bẫy việt vị như nhóm khách đầu tiên, nhưng chung quy cũng không “khá khẩm” hơn. Bởi lúc người mua lưỡng lự giữa việc mua xe ngay hay chờ đến khi chính thức được giảm lệ phí trước bạ, nhiều đại lý lại “tung đòn” hoặc dọa “tung đòn” tăng giá bán. Khách mua ô tô tiếp tục phải “vò đầu”. Bởi với những mẫu xe được áp dụng giảm giá sâu đến cả trăm, thậm chí vài trăm triệu, nếu giá tăng trở lại, người mua lại bối rối với câu hỏi: “cửa nào lợi hơn”. Và khi không còn đủ kiên nhẫn giữa hỗn độn thông tin, giống như nhóm khách đầu, nhóm khách thứ hai này cũng quyết định xuống tiền mua xe.
Nhưng mọi chuyện chưa đến hồi kết! Ngày 29.05.2020, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết 84. Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ là giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Người mua ô tô Việt lúc này tưởng chừng đã “thở phào”. Nhưng đúng như người ta vẫn hay nói “đời không như là mơ”. Bởi “giấc mơ dài” về giảm lệ phí trước bạ vẫn cần phải chờ đến khi có… Nghị định chính thức. Trong khi câu hỏi “Bao giờ có Nghị định?” lại không có câu trả lời nhất quán. Người mua ô tô thêm một phen “đau đầu”. Mua hay không mua?
Theo dõi diễn biến trên thị trường ô tô trong nước thời gian qua, tôi lại nhớ đến thời điểm điểm từng được xem là cột mốc - đầu năm 2018. Khi đó, hầu hết khách mua ô tô tại Việt Nam đều tin rằng giấc mơ ô tô giá rẻ sẽ sớm thành hiện thực, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia trong khu vực nội khối ASEAN giảm về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)… Niềm tin lớn đến mức nhiều khách hàng có ý định mua xe giai đoạn cuối năm 2017 thậm chí đã “ngó lơ” hàng loạt mẫu xe “hot” dù được các hãng và đại lý giảm giá vài trăm triệu đồng.
Người mua ô tô dù có tiền trong tay, nhưng số phận không khác nhiều người nông dân với viễn cảnh "được mùa mất giá" |
Và như đã biết, cuộc đua giảm giá mà giới truyền thông ví von rằng “chưa từng có trong lịch sử thị trường ô tô Việt Nam” không mang lại kết quả như mong đợi. Tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng Việt khiến tổng lượng tiêu thụ ô tô du lịch năm 2017 giảm tới 15%.
Rồi khi cột mốc 2018 trờ đến, phần đông khách hàng Việt phải “ngậm trái đắng” khi giá ô tô không những không rẻ hơn thời điểm trước đó, mà trái lại còn tăng. Nguyên nhân là bởi, chính sách mới khiến ô tô nhập khẩu “tắc đường về”, dẫn đến nguồn cung hạn chế. Tình trạng khan hàng là cơ sở để một số đại lý phân phối ô tô tung chiêu “làm giá” theo kiểu “mua bia kèm lạc”.
Người mua rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đã chờ đợi quá lâu. Nếu muốn nhận xe ngay thì không còn lựa chọn khác ngoài việc “phục tùng” đại lý, chấp nhận chi thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để nhận xe sớm. Và năm 2018 từ kỳ vọng sẽ là cột mốc, bất ngờ lật ngược trở thành đoạn kết của giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam.
Nếu so với 2018, thời điểm hiện tại thực tế chẳng khác là bao. Bởi suy cho cùng, người mua ô tô tại Việt Nam không khác nhiều những người nông dân. Bởi họ dù có tiền trong tay nhưng luôn phải ở vào thế “kèo dưới” và hoàn toàn bị động. Kịch bản với người mua xe dù thay đổi tình tiết như thế nào chăng nữa cũng xoay quanh câu chuyện “được mùa mất giá”, giống như người ta hay nói với những người nông dân. Vậy nên sắp tới đây, khi Nghị định về giảm lệ phí trước bạ chính thức áp dụng, người mua ô tô có thể xem như “được mùa”, nhưng giá cả lại là chuyện của “thương lái”, hay đúng hơn là đại lý và hãng xe.
Khổ như người mua ô tô Việt là vậy!
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại TP.HCM
Theo Thanh Niên